Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Phiên họp thứ 4 Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai


Ngày 02/12/2011, tại Bình Dương đã diễn ra phiên họp thứ 4 của Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang; Chủ tịch UBND TP.HCM – Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai Lê Hoàng Quân; Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Mai Thế Trung; Thứ trưởng Bộ TN&MT- Phó Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai Bùi Cách Tuyến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam đồng chủ trì phiên họp. Tham gia phiên họp còn có đại diện lãnh đạo của các Bộ ngành hữu quan, lãnh đạo UBND tỉnh 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông.
Phiên họp lần này đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai; đồng thời đề xuất nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu
Nhiều chuyển biến tích cực
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM – Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai cho biết: Qua 03 năm triển khai “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực  hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”  của Chính phủ (gọi tắt là Đề án sông Đồng Nai), Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, các Bộ ngành và 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực triển khai các nội dung của Đề án và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Trong đó, điều đáng ghi nhận là chất lượng nước lưu vực sông Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực, các điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường đã cơ bản được giải quyết. Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai đang được kiểm soát an toàn để cung cấp nước sinh hoạt cho 18 triệu dân sống trên lưu vực.
Tuy nhiên, mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 500 ngàn m3 nước thải công nghiệp thải ra từ khoảng 60 khu công nghiệp, hơn 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị…nên đã tạo ra những áp lực lớn đối với môi trường, nhiều khu vực đang có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm.
Về kết quả triển khai kết luận Phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai:  Năm 2011, Bộ TN&MT triển khai nhiệm vụ điều tra, khảo sát và đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường do các loại hình sản xuất, kinh doanh gây ra trên lưu vực sông, phục vụ xây dựng “Nghị định Chính phủ quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần cấm hoặc hạn chế đầu tư trên các lưu vực sông: Cầu, Nhuệ – Đáy, Đồng Nai”. Bộ Xây dựng đã tiến hành xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 và Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020. UBND 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nội dung kết luận của Phiên họp: Ban chỉ đạo Đề án sông Đồng Nai đã được thành lập tại tất cả các địa phương; 10/11 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án sông Đồng Nai; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; nguồn lực đầu tư cho triển khai Đề án sông Đồng Nai được tăng cường theo từng năm…
Ông Lê Hoàng Quân đánh giá: đến nay, các cấp chính quyền địa phương trên lưu vực đã và đang dành nhiều sự quan tâm mạnh mẽ đối với vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai nói riêng. Đặc biệt, trong năm 2011, các địa phương đã có nhiều sự phối hợp, từng bước khắc phục các xung đột lợi ích cục bộ, không vì lợi ích của địa phương mình mà gây thiệt hại tới các địa phương khác và ảnh hưởng tới môi trường chung…
Thận trọng khi phát triển thủy điện
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang yêu cầu các địa phương trên lưu vực cần tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đặc biệt, trước mắt cần tìm giải pháp nâng cao vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai để phù hợp với tình hình hiện nay. Nhiều đại biểu cho rằng, nên đưa nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban về Bộ TN&MT, nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai, thống nhất hành động các chương trình bảo vệ môi trường của 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, lựa chọn phương án phù hợp để quyết định vào phiên họp lần sau của Ủy ban (dự kiến tháng 6/2012).
Các đại biểu tham dự cuộc họp cũng thống nhất cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải chú ý xem xét, cân nhắc thật kỹ trước khi cấp phép mỗi dự án mới, tránh gây những tác động tới môi trường lưu vực sông; đồng thời cần sớm hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, y tế, sinh hoạt tại các địa phương trên lưu vực….
Ngoài ra, bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai không chỉ bảo vệ nguồn nước mà còn phải bảo vệ diện tích rừng, hệ sinh thái, đất nông nghiệp. Vì thế, Ủy ban sông Đồng Nai đã nhất trí kiến nghị Chính phủ xem xét không tiếp tục phát triển thêm các công trình thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai. Các nhà máy thủy điện phải được quy hoạch và xây dựng phù hợp, không nên phát triển quá ồ ạt mà ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Trong khi đó, các tác động tiêu cực từ việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện trên cả nước nói chung, trên hệ thống sông Đồng Nai nói riêng đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận và báo chí.
Nguyễn Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét